Nguồn vnexpress.net - Với công suất ít nhất 200 triệu chiếc mỗi tháng, Việt Nam đủ năng lực thành công xưởng khẩu trang vải thế giới nhưng đây lại là mặt hàng có tính mùa vụ.
Khi các nước đang tranh giành nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ cho nhân viên y tế chống Covid-19, khẩu trang trở thành ngành công nghiệp bùng nổ tại nhiều nước, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Hiện hàng loạt doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang làm khẩu trang như "cứu cánh" trong khó khăn.
Số liệu thống kê 50 doanh nghiệp dệt may của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đến cuối tháng 3, khoảng 57 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn các loại đã được doanh nghiệp dệt may cung ứng ra thị trường. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp khoảng 8 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi ngày, bình quân mỗi tháng khoảng 200 triệu chiếc. Nếu tính quy mô cả nước thì số lượng cung ứng còn lớn hơn nhiều.
Gọi sản xuất khẩu trang là "cỗ máy in tiền thời dịch bệnh", ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Chính phủ có chiến lược thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này.
Với năng lực sản xuất, cung ứng lớn, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tin Việt Nam có đủ năng lực để trở thành quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nếu coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần xét nhiều yếu tố.
Theo ông, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phổ biến. Vì vậy, cần có quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng.
"Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao", vị này phân tích.
Vì thế, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít.
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, doanh nghiệp không nên coi đây là mặt hàng chiến lược.
"Cung cầu mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế hiện rất lớn khi dịch đang bùng phát song sẽ chỉ có tính thời điểm, không nên coi đó là chiến lược dài hơi. Doanh nghiệp không có tính toán thận trọng nhu cầu thị trường thực, có thể sẽ là sai lầm khi bước vào sản xuất ồ ạt", ông nói.
Về phía Chính phủ, vị chuyên gia này cho rằng, nhà chức trách cần đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng về chất lượng để doanh nghiệp lấy đó làm "khung" quyết định đầu tư hay sản xuất.
"Khẩu trang là mặt hàng có tính chất đặc biệt do liên quan tới sức khoẻ con người, nhất là trong dịch bệnh. Chất lượng, tiêu chuẩn không đảm bảo không những doanh nghiệp ảnh hưởng, mà còn hệ luỵ tới uy tín quốc gia", ông Thành nói thêm và nhắc lại bài học một số quốc gia châu Âu kiện, đòi Trung Quốc bồi thường do nhập phải sản phẩm khẩu trang không đạt chất lượng.
Ở khía cạnh này, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế sẽ buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn của EU. Chẳng hạn, dán nhãn CE (thích ứng với quy định EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia.
"Sản xuất đại trà khẩu trang, đồ bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU, gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế", Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cảnh báo.
Bản thân các doanh nghiệp đang sản xuất khẩu trang vải cũng thừa nhận điều này. Ông Nguyễn Văn Thời cho rằng, doanh nghiệp chỉ có lợi thế khi chủ động được nguồn nguyên liệu, thiết kế và tự xuất khẩu theo phương thức ODM.
"Khẩu trang chỉ là mặt hàng thời vụ giúp doanh nghiệp bù đắp các đơn hàng xuất khẩu trong lúc thị trường đầu ra gặp khó khăn vì dịch bệnh. Các đơn hàng sản phẩm dệt may lớn vẫn là sống còn của doanh nghiệp", ông chia sẻ.
Đồng tình ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho rằng cầu mặt hàng này sẽ bão hoà khi dịch bệnh qua đi.
Dù vậy cũng không thể phủ nhận xuất khẩu khẩu trang (khẩu trang vải), quần áo bảo hộ y tế... đang là "cứu cánh" cho các doanh nghiệp dệt may hiện nay trong bối cảnh đơn hàng gia công sụt giảm và cung vượt cầu nội địa.
Tìm thị trường cho khẩu trang vải Việt Nam xuất khẩu ra thế giới khi thị trường trong nước bão hoà, Cục Xuất nhập khẩu cho biết đã làm việc với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải